Đái tháo đường là bệnh mạn tính không lây nhiễm hiện đang gia tăng và ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu. Đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt tại các nước có thu nhập thấp. Một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh đái tháo đường chính là béo phì.
Sau bữa ăn, đường từ thức ăn sẽ được hấp thu vào trong máu. Nhờ có insulin của tuyến tụy, đường sẽ được cung cấp cho tế bào, được cơ thể sử dụng và duy trì trong một phạm vi an toàn nhất định không gây tăng hoặc giảm đường huyết.
Người béo phì, lượng mỡ gia tăng ở nội tạng và dưới da. Các tế bào mỡ càng nhiều càng làm tác động kiểm soát đường huyết sau ăn của insulin bị giảm đi. Ngoài ra, mỡ bao xung quanh tụy còn làm giảm khả năng tiết insulin Hai yếu tố này kết hợp với nhau khiến cho đường huyết của cơ thể tăng cao hơn ngưỡng bình thường, dẫn đến đái tháo đường.
Đái tháo đường là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách ăn uống cân đối, tăng cường vận động để duy trì cân nặng lý tưởng, kiểm soát đường huyết và huyết áp.
Ăn uống cân đối, chừng mực bằng cách không nên nhịn đói hoặc ăn quá nhiều thức ăn giàu năng lượng trong một bữa như thức ăn chiên xào, bánh kẹo, nước ngọt… Thay thịt bằng cá nạc, đậu hũ, ăn đủ lượng rau củ quả và trái cây tươi để cung cấp chất xơ và vitamin cần thiết cho cơ thể.
Vận động thường xuyên 30 – 60 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe, tiêu hao năng lượng thừa, đồng thời giúp giảm căng thẳng.
Các biện pháp giảm cân – giảm béo phải được tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa có uy tín.
Khám sức khỏe, thử đường huyết định kỳ hàng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh thời.
BS Lê Kim Huệ
Nguyên Trưởng khoa Truyền thông GDSK – TTDD
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Thực phẩm Tân Úc Việt.